Tạo lập được môi trường sống tốt cho người dân

created-time 22:54:52 19-11-2015
view Lượt xem 985
Hoạt động ngành

68% xã hoàn thành QH NTM là một kết quả đáng kích lệ

Thưa Thứ trưởng, 68% xã trong cả nước hoàn thành công tác QH NTM có phải là một kết quả khả quan không?

- Tháng 11/2012, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia XD NTM đã sơ kết 2 năm triển khai chương trình và đánh giá một số kết quả đạt được, trong đó có công tác QH. Theo đó, đến nay cả nước đã có trên 5 nghìn xã được phê duyệt QHXD NTM, đạt 68% và 995 xã đang hoàn thành các thủ tục trình duyệt, đạt 11%. Các đồ án được phê duyệt đã làm cơ sở để các địa phương lập dự án đầu tư XD và XD cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Tôi cho rằng đây là kết quả đáng khích lệ bởi Chương trình được triển khai trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn khác nhau giữa các vùng, nguồn vốn lập QH ở một số địa phương còn hạn chế.

Từ thực tế của các địa phương, xin Thứ trưởng cho biết, việc lập, phê duyệt và công bố QHXD NTM có những thuận lợi và vướng mắc như thế nào?

- QHXD NTM đã có được sự quan tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) từ tỉnh, huyện đến xã, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu XDNTM, trong đó tập trung chỉ đạo vấn đề trọng tâm cốt lõi là XD và thực hiện QH NTM. BCĐ NTM một số địa phương đã chủ động XD các văn bản hướng dẫn công tác QHXD xã NTM trên địa bàn của mình phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho công tác triển khai lập, phê duyệt QH NTM.

Để có sự thống nhất trong quản lý và thực hiện QHXD NTM, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn việc lập QHXD NTM.

Tuy nhiên việc lập, phê duyệt QHXD NTM còn có một số khó khăn. Nhiều huyện chưa có QH vùng huyện nên công tác lập QHXD NTM của các xã không đủ cơ sở để kết nối với hạ tầng khung. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở các xã như đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước… đã tồn tại khá lâu năm nên QH lại là rất khó, nếu không được chỉ đạo chặt chẽ sẽ gây tốn kém, lãng phí, hiệu quả thấp. Mặt khác, chính quyền huyện, xã còn chưa chủ động XD kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức và thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào các bước trong quá trình lập và thực hiện QH. Nguồn vốn dành cho QHNTM còn hạn chế hoặc chưa được quan tâm thích đáng.

Hợp nhất QHXD, QH sử dụng đất, QH sản xuất

Mặc dù giữa các bộ, ngành đã có sự phối hợp nhất định tuy nhiên các hướng dẫn vẫn có sự chồng chéo khiến các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai. Nhận định của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Mục tiêu của QHXD NTM là tạo lập được môi trường sống tốt cho người dân, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất. Để thực hiện các mục tiêu này và thống nhất các loại QH, tạo thuận tiện cho quản lý XD, BCĐ Trung ương Chương trình MTQG XDNTM đã chỉ đạo 3 Bộ (Xây dựng, TN&MT, NN&PTNN) ban hành thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTM&MT ngày 28/10/2011 về Quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt QHXD xã NTM. Một trong các bước đột phá của Thông tư đó là hợp nhất 3 nội dung quan trọng nhất của công tác QHNT là QH về dân cư và hạ tầng với QH sản xuất và QH sử dụng đất. 3 loại hình QH này trước đây vốn được triển khai độc lập theo hướng dẫn của từng bộ ngành, giờ cơ bản tích hợp vào trong cùng một thông tư, tránh các mâu thuẫn và chồng chéo.

Tuy nhiên, do yêu cầu quản lý ngành của từng bộ có khác nhau, vì vậy một số hướng dẫn trong việc thể hiện hồ sơ có những yêu cầu riêng, dẫn đến một số nội dung thiếu thống nhất.

Khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ khẩn trương rà soát, điều chỉnh các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất, tạo thuận lợi cho các cơ quan triển khai thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm hơn cho ngân sách Nhà nước.

Trong những năm qua, các địa phương triển khai đồng loạt hàng trăm đồ án QH NTM, trong khi đó lực lượng tư vấn mỏng, trình độ hạn chế. Vậy xin hỏi Thứ trưởng, chất lượng của đồ án QH NTM nhìn chung đạt ở mức độ nào?

- Nhìn vào kết quả đạt được như tôi đề cập ở trên, có thể thấy rõ những nỗ lực rất đáng khích lệ của các đơn vị tư vấn thực hiện lập QHXD NTM.

Về chất lượng, nhìn chung đồ án QH NTM bước đầu đã đi vào cuộc sống và đáp ứng cơ bản với các mục tiêu của Chương trình MTQG XDNTM. Tuy nhiên, theo tôi, việc tiếp tục triển khai lập QH cho khoảng 42% số xã còn lại là một thách thức không nhỏ cho các địa phương. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn lập QH, nhận thức của chính quyền, người dân về công cuộc XD NTM còn tồn tại một số khó khăn khách quan dẫn đến chất lượng đồ án ở một số xã chưa thực sự được như mong muốn. Đó là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác lập QH chưa am hiểu sâu về nông thôn. Nhiều cán bộ vẫn lập QHNT theo tư duy của lập QHĐT. Hơn nữa, Chương trình NTM yêu cầu nhiều nội dung với nhiều lĩnh vực trong khi thời gian hoàn thành đồ án QH gấp gáp. Hệ thống bản đồ không phù hợp với quy định để lập QH. Đơn cử, có địa phương chỉ có bản đồ trải thửa hoặc bản đồ địa hình với tỷ lệ lớn mà không có bản đồ hiện trạng theo quy định…

Bản sắc kiến trúc nông thôn chịu tác động từ nhiều phía

Có ý kiến quan ngại, với những quy định, tiêu chí cứng nhắc, QH NTM có thể tác động làm mai một cấu trúc quần thể làng xã, thôn bản truyền thống, làm mất đi bản sắc kiến trúc đặc trưng vùng miền? Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Người ta thường nghĩ việc tạo dựng hình ảnh không gian kiến trúc, quần thể cấu trúc làng xã, thôn bản truyền thống là các kiến trúc sư, các nhà QH. Điều này cơ bản đúng với một đối tượng công trình hay một khu vực cụ thể có sự tham gia của kiến trúc sư, các nhà QH. Song với các đối tượng là các làng quê thì hoàn toàn không phải như vậy.

Đồ án QHNTM khác với đồ án QHĐT bởi nó được nghiên cứu trên hiện trạng của làng quê đã được hình thành, phát triển từ lâu đời. Mỗi vùng miền có những đặc điểm khác nhau về văn hóa, cảnh quan và quy hoạch NTM chủ yếu là đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang. Trong quá trình nghiên cứu, cơ quan tư vấn đã cố gắng tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với bản sắc của vùng miền đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn những nét kiến trúc của nông thôn Việt Nam. Nhưng thực tế người dân nông thôn chưa có điều kiện để dành kinh phí thuê kiến trúc sư. Việc xây dựng nhà theo xu hướng, sở thích là khó tránh khỏi. Nhiều nơi đưa nguyên mẫu nhà chia lô vào trong khuôn viên sân vườn khá rộng của mình. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho nông thôn còn hạn chế. Những quy định riêng để quản lý kiến trúc cảnh quan cho nông thôn cũng chưa có. Vì vậy bản sắc kiến trúc, đặc trưng vùng miền nông thôn chịu tác động và bị ảnh hưởng tác động của rất nhiều yếu tố. Vai trò trách nhiệm trong việc này không của riêng một cơ quan, tổ chức hay do bởi QH NTM mà cần có sự tham gia, chung tay của các nhà quản lý và cả cộng đồng.

Với những khó khăn và thuận lợi nói trên, theo Thứ trưởng mục tiêu cả nước phủ kín QH NTM trong năm 2013 liệu có khả thi?

- Việc phủ kín QH NTM trong năm 2013 là yêu cầu được đặt ra đối với các địa phương và bộ, ngành. Nhiệm vụ rà soát phủ kín QHNTM là cần thiết nhưng làm sao để có QH hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và thuận lợi cho việc thực hiện của người dân cũng là công việc cần được quan tâm hơn nữa.

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng trong công tác QHXD NTM, các địa phương, bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tránh sự chồng chéo. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương XDNTM của Đảng và Nhà nước, để người dân hiểu rõ về nội dung QH và chủ động tự giác tham gia công tác QHXD. Các địa phương cần tập trung củng cố tổ chức và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mỗi địa phương sẽ cụ thể hóa nội dung đào tạo, tập huấn kiến thức XD NTM cho đội ngũ cán bộ cấp xã, phù hợp điều kiện ở địa phương. Các địa phương cũng cần rà soát kế hoạch triển khai lập QHXD NTM trên phạm vi tỉnh để cân đối, bố trí nguồn vốn hợp lý cho công tác lập QHXD của địa phương.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Tâm (thực hiện) (Nguồn Báo Xây dựng điện tử)