Áp dụng kiến trúc xanh ở Việt Nam: Thách thức và cơ hội

created-time 22:50:10 19-11-2015
view Lượt xem 459
Hoạt động ngành

Chi phí sử dụng năng lượng tiết kiệm chỉ chiếm 5 - 7% tổng mức đầu tư công trình

Theo ông Michael Waibel - Nghiên cứu viên cao cấp khoa Địa lý Kinh tế, ĐH Hamburg (CHLB Đức), 3 lĩnh vực góp phần nhiều nhất vào tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính ở Việt Nam là công nghiệp, giao thông và công trình xây dựng. Trong đó, công trình xây dựng liên quan nhiều đến sinh hoạt của người dân. Do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cao và mức sống ngày càng gia tăng, mức tiêu thụ năng lượng của nhóm công trình nhà ở sẽ tiếp tục tăng. Điều này cho thấy cơ hội sẽ bị bỏ lỡ nếu các cấp hoạch định chính sách Việt Nam không nỗ lực tăng cường hiệu quả sử dụng trong lĩnh vực công trình nhà ở.

Ông Michael Waibel cho biết: Nghiên cứu của các nước đã khẳng định hiệu quả năng lượng cũng đem lại lợi ích kinh tế. Đầu tư nâng cấp các giải pháp cách nhiệt nhà ở, nâng cao hiệu quả tăng nhiệt (đối với các nước vùng nhiệt đới là hiệu quả làm mát), thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng hơn cho nhà ở, văn phòng… sẽ đem lại tiềm năng giảm thải CO2 tối ưu. Ở Việt Nam, nhận thức về hiệu quả năng lượng dù đang tăng dần nhưng vẫn còn ở mức thấp. Một trong những lý do là chi phí của các công trình tiết kiệm năng lượng thường bị dự toán cao. Các nhà đầu tư BĐS cũng như các hộ gia đình đánh giá sai mức chi phí, lợi ích của các công trình tiết kiệm năng lượng, vì thế các đối tượng này thường không muốn đầu tư vào vấn đề tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, theo một nghiên cứu tại Trung Quốc: Mức chi phí của các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khá thấp, chỉ chiếm 5 - 7% tổng chi phí đầu tư công trình mới.

Ngổn ngang thách thức

Điều đáng nói là chi phí đầu tư ban đầu cao hơn không phải là trở ngại duy nhất trong việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng ở Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Tố Lăng (ĐH Kiến trúc Hà Nội), phát triển KTX ở Việt Nam hiện có nhiều thách thức bởi chưa có hệ thống hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh bền vững. Sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH chưa nhiều. Việt Nam cũng chưa xây dựng được một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh tiêu chuẩn cho quốc gia như các nước trên thế giới. Một số KTS và cộng đồng xã hội đã có nhận thức trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên, hướng tới KTX nhưng đó vẫn chỉ là những nỗ lực còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ… Thậm chí, một số trường hợp còn mượn mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc tỏ vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

Và không ít cơ hội

Dẫu vậy, các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài cũng đều nhận định sẽ có không ít cơ hội mở ra cho việc phát triển KTX Việt Nam. Cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh. Đó là bước tiến lớn của Việt Nam theo chủ trương xây dựng nền kinh tế tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh. Ông Michael Waibel lưu ý: “Những sáng kiến phần nhiều thuộc khuôn khổ Bộ KH&ĐT cần được hoàn thiện với đóng góp của Bộ Công Thương (cơ quan phụ trách triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả), Bộ TN&MT (cơ quan chịu trách nhiệm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về đối phó với BĐKH) và Bộ Xây dựng (cơ quan xây dựng và ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả)”.

Và để tăng tỷ lệ công trình xanh, theo ông Michael Waibel, Việt Nam không thể cứ làm theo lối cũ. Nhiều chính sách cần được sửa đổi ngay trong chương trình nghị sự về BĐKH hiện hành. Bộ công cụ về phát triển bền vững cung cấp nhiều giải pháp thúc đẩy công trình xanh.

Đặc biệt, ông Michael Waibel cho rằng: Việt Nam có thể tận dụng sự cấp bách của các nguy cơ từ BĐKH để đề ra các giải pháp KTX cụ thể, cũng có thể tận dụng yếu tố này để quản lý quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, thậm chí xây dựng những mô hình, thể chế mới.

PGS.TS Nguyễn Tố Lăng cũng kiến nghị: KTX cần phải có chiến lược trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế. Việt Nam cần thống nhất khái niệm KTX - những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường, từ KTS cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý… Trong đó, những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, chất lượng không khí, chất lượng môi trường bên trong công trình…

Cũng theo ông Lăng, nhận thức về KTX cần được tuyên truyền mạnh hơn trong cộng đồng, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các tổ chức liên quan như Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá, giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển KTX ở Việt Nam.

Theo ông Michael Waibel: “Nếu mức tiêu thụ năng lượng chung trên thế giới của nhóm công trình nhà ở chiếm khoảng 24% thì ở Việt Nam con số này cao gấp hơn 2 lần, 54%. Mức tiêu hao năng lượng bao gồm toàn bộ năng lượng sản xuất vật liệu, các cấu kiện hình thành nên công trình, năng lượng thi công và năng lượng vận hành công trình…”.

Hòa Bình (Báo Xây dựng điện tử)