Để nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật các đô thị thực sự đạt hiệu quả, tỉnh đã xác định rất cụ thể tuỳ vào đặc thù của từng loại hình đô thị, yêu cầu phát triển từ đó có hướng đầu tư hợp lý. Riêng năm 2011, tỉnh đã hỗ trợ cho 9 địa phương với tổng số vốn 435 tỷ đồng cho phát triển, nâng cấp các đô thị và thành phố. Đến nay Uông Bí và Cẩm Phả đã trở thành thành phố loại III trực thuộc tỉnh, huyện Yên Hưng được nâng cấp lên thành TX Quảng Yên, các địa phương khác trong tỉnh đều đang tiếp tục xác định mục tiêu phát triển dựa trên lợi thế của mình.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP Hạ Long đang được đầu tư hoàn thiện. (Trong ảnh: Tuyến đường khu đô thị Hùng Thắng. Ảnh: Khánh Giang
Theo thống kê của các cơ quan chức năng toàn tỉnh đang có 109 dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị với diện tích 1.881ha, trong đó có 9 dự án đã hoàn thành, 85 dự án đang triển khai thi công và 15 dự án chưa triển khai. Đặc biệt đối với các đô thị được coi là địa bàn động lực phát triển được quan tâm đầu tư hơn như: Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái (TP Móng Cái) trong những năm qua cũng đã được tỉnh rất quan tâm đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là nâng cấp tuyến đường 18A đoạn từ Cửa Ông đến Móng Cái, các tuyến đường trong địa bàn khu kinh tế, đường kết nối lên cửa khẩu, các điểm thông quan… Tính trong giai đoạn từ 2006-2012 đã đầu tư trên 460 công trình với tổng số vốn 1.088 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT là 125 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 798,9 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn Móng Cái có 19 dự án FDI với tổng số vốn đạt 246,7 triệu USD. Với KKT Vân Đồn đã và đang triển khai 22 dự án hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 4.586,9 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng KKT đã cân đối cho các dự án đến năm 2012 là 597 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương cấp là 437 tỷ đồng; ngân sách tỉnh là 160 tỷ đồng. Bước đầu hạ tầng kỹ thuật KKT đã được cải thiện, một số dự án hoàn thành đã phát huy hiệu quả đầu tư.
KKT Vân Đồn hiện có 77 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.800 tỷ đồng và 97 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký mới đạt 1.266,1 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đang trong giai đoạn triển khai xây dựng cơ bản trên địa bàn KKT đều thuộc lĩnh vực đô thị, khu dân cư, du lịch - dịch vụ. Đặc biệt một số dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai như: Sân bay Vân Đồn; Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn có casino.
Ngoài đầu tư hạ tầng cho các khu đô thị, tỉnh đặc biệt quan tâm dành nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp (KCN). Cụ thể ngoài 4 KCN đã được thành lập trước năm 2009, vừa qua đã thành lập mới và cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) cho 2 KCN là Phương Nam (Uông Bí) và Hoành Bồ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5.015,1 tỷ đồng nâng tổng số KCN được thành lập, cấp Giấy CNĐT lên 6 KCN với số vốn đăng ký 6.927,43 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Đến nay, các KCN đã thu hút được 71 dự án đầu tư, trong đó 23 dự án FDI với tổng vốn đầu tư thu hút đạt 325,18 triệu USD và 48 dự án trong nước tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7.534 tỷ đồng. Số dự án đã đi vào hoạt động và sản xuất là 39 dự án. Hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Mặc dù đã có sự quan tâm, đầu tư nhưng so với tốc độ phát triển việc đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn ở tỉnh chưa được nhiều. Chính vì vậy xảy ra tình trạng điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở các đô thị của tỉnh thấp khó thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.
Để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tỉnh đã xây dựng các nhóm giải pháp triển khai thực hiện đối với lĩnh vực này. Cụ thể tập trung thu hút các nhà đầu tư triển khai xây dựng phát triển các KKT, KKTCK, KCN tập trung. Phối hợp và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai nhất là các KKT, KCN có vai trò động lực trong vùng như: Vân Đồn, Móng Cái, KCN - cảng biển Hải Hà, KCN - dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Quảng Yên), KCN Phương Nam (Uông Bí)... gắn với ban hành cơ chế thu hút nhà đầu tư và hình thành các cụm công nghiệp mới. Phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố, thị xã, huyện. Tập trung đầu tư xây dựng thành phố cửa khẩu Móng Cái giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc. Kêu gọi và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, ngân hàng lớn tại TP Hạ Long gắn với phát triển du lịch và dịch vụ.
Ngọc Lan (Theo báo Quảng Ninh)