Theo Thông tư 123/2012/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này cũng được coi là chi phí hợp lệ. Ngoài ra, hàng hoá bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hoá tự nhiên không được bồi thường cũng được coi là chi phí hợp lệ.
Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không được coi là chi phí hợp lệ. Tuy nhiên, tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như (nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, phòng y tế, xe đưa đón người lao động, nhà ở cho người lao động… và các thiết bị, nội thất đi kèm do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng được trích khấu hao và khoản khấu hao này được trừ khi xác định thuế TNDN.
Cũng theo Thông tư 123/2012/TT-BTC, tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển… không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định thì chi phí mua tài sản được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh và được trừ đi khi xác định thuế TNDN.
Tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ; tạm thời dừng để sửa chữa, chuyển địa điểm, bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ sau đó tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản khấu hao này được coi là chi phí hợp lệ.
Khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ cũng được trừ đi khi xác định thuế TNDN.
Tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ cũng được coi là chi phí hợp lệ.
Các khoản chi thêm cho lao động nữ được cũng được coi là hợp lệ gồm, chi cho đào tạo lại nghề; chi phí tiền lương và phụ cấp (nếu có) cho giáo viên dạy ở nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức và quản lý; chi bồi dưỡng cho lao động nữ sau khi sinh con lần thứ nhất hoặc lần thứ hai; phụ cấp làm thêm giờ cho lao động nữ trong trường hợp lao động nữ không nghỉ sau khi sinh con mà ở lại làm việc cho doanh nghiệp.
Mặc dù vẫn khống chế chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng… không được quá 10% tổng số chi phí được trừ, nhưng Bộ Tài chính bỏ việc khống chế khoản hoa hồng môi giới bảo hiểm; hoa hồng trả cho các đại lý bán hàng hóa, dịch vụ đúng giá; hoa hồng trả cho nhà phân phối của các công ty bán hàng đa cấp.
Các khoản chi phát sinh trong nước hoặc ngoài nước (nếu có) như chi phí nghiên cứu thị trường (thăm dò, khảo sát, phỏng vấn, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin); chi phí phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí thuê tư vấn thực hiện công việc nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu thị trường; chi phí trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại… cũng không còn bị khống chế như hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thông thường.
Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác và chi tiền trang phục cho người lao động đến 5 triệu đồng/năm nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp được tính đầy đủ vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.
Mạnh Bôn (Đầu tư điện tử)