Hội thảo Khoa học công nghệ Nhật Bản: Chính sách, kinh nghiệm và những thành tựu

created-time 05:03:32 18-11-2015
view Lượt xem 610
Hoạt động ngành

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Hội thảo

 

 

Tham dự Hội thảo có ông Takaaki - Cố vấn cao cấp của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT); đại diện các Tập đoàn, Công ty xây dựng lớn của Nhật Bản như: Taisei Corporation, Sumitomo Mitsui, Georstr Group cùng hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, môi trường xây dựng...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể sau hơn 25 năm đổi mới. Số lượng các công trình có chất lượng cao, quy mô lớn có yêu cầu kỹ thuật cao và công nghệ hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều, đây là kết quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng theo định hướng của Ngành. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện năng lực quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế và của doanh nghiệp ngành Xây dựng hiện nay. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, trong những năm qua đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của Ngành. Bộ đã tập trung xây dựng một cách có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và định hướng phát triển ứng dụng KHCN trong xây dựng, đồng thời đã đầu tư một cách có trọng tâm và hiệu quả cho các đơn vị chức năng về KHCN xây dựng của Bộ. Bộ cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển KHCN của Ngành giai đoạn 2001-2010 và đang xây dựng mới chiến lược này cho giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong xây dựng của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, việc chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN, coi KHCN là động lực, là đột phá cho phát triển cũng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành KHCN xây dựng Việt Nam theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới, đưa KHCN thực sự trở thành động lực cho phát triển và nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành Xây dựng đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực ngoài nước, học hỏi và ứng dụng một cách phù hợp các kinh nghiệm phát triển và các thành tựu KHCN của các nước bạn là chiến lược cần được ưu tiên.

Toàn cảnh Hội thảo
 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Nhật Bản là một quốc gia phát triển mạnh về KHCN, riêng trong lĩnh vực xây dựng, Nhật Bản đã phát triển các công nghệ thi công tiên tiến cho phép thực hiện các công trình siêu cao tầng, các công trình hạ tầng đặc biệt lớn như hầm ngầm xuyên núi, cầu vượt biển hay các công trình có kết cấu đặc biệt. Công nghệ xây dựng Nhật Bản hiện đã được chuyển giao, ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và được coi là công nghệ ưu tiên tiếp cận hàng đầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng bày tỏ sự tin tưởng, Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia Việt Nam tìm hiểu sâu hơn kinh nghiệm về định hướng và chiến lược phát triển cũng như ứng dụng KHCN Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng, là diễn đàn để các doanh nghiệp hai nước trao đổi, giới thiệu và tìm kiếm hợp tác về các công nghệ xây dựng mới, góp phần vào sự phát triển KHCN chung của hai nước. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe ông Takaaki Kobayashi giới thiệu về Bộ MLIT và các chính sách thúc đẩy hoạt động tại nước ngoài của các doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản; ông Susumo Mori của Nikkei Business trình bày tham luận giới thiệu khái quát quá trình phát triển công nghệ xây dựng Nhật Bản trong 20 năm qua; ông Tahara trình bày về công nghệ áp dụng trong thi công gói thầu cầu cạn đường vành đai số 3 đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân của Công ty Sumitomo Mitsui; tham luận về công nghệ bê tông và thép của Geostr, Công nghệ cọc vít ATT trong xử lý nền móng của Công ty JVTek...
 

Minh Tuấn