Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển đồng bộ hệ thống y tế vừa chuyên sâu, vừa phổ cập nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người nhân dân; củng cố nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng với chất lượng dịch vụ tốt, phục vụ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, triển khai xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng tầm cỡ quốc tế, xây dựng đội ngũ nhân lực y tế Thủ đô Hà Nội đủ về số lượng, có phẩm chất, năng lực, trình độ về quản lý, phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng cao, nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đó, Thành phố phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 12,28‰ năm 2010 xuống 11,5‰ vào năm 2015, 11‰ vào năm 2020 và dưới 10‰ vào năm 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm dần số người nhiễm mới trong cộng đồng; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 11,9% năm 2010 xuống 10,0% vào năm 2015, dưới 8,0% vào năm 2020 và dưới 7,0% vào năm 2030...
Cũng theo quy hoạch mới, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ xây mới 10 bệnh viện với tổng số 3.850 giường bệnh, với nhu cầu đất là 43,5ha. Giai đoạn 2016-2020, sẽ xây mới 15 bệnh viện với 5.000 giường bệnh và nhu cầu đất là 50,5ha.
Đến năm 2015, tỷ lệ bác sĩ đạt 12,5 bác sĩ/10.000 dân, dược sĩ đại học đạt 2 dược sĩ/10.000 dân, đến năm 2020 đạt 13,5 bác sĩ/10.000 dân, 2,5 dược sĩ/10.000 dân, năm 2030 đạt 14 bác sĩ/10.000 dân, 3 dược sĩ/10.000 dân, nhân viên điều dưỡng từ 3-4 nhân viên/bác sĩ; Tăng tỷ lệ giường bệnh lên 20 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2015, 25 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 và 30 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2030.
Đến năm 2015, bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, đến năm 2020 nâng cấp và duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo chuẩn mới của Bộ Y tế.
Cùng với đó, Thành phố sẽ thiết lập 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại các khu vực Mỹ Đình, KĐT mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình, khu vực Xuân Mai...
Tổng vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch này, giai đoạn 2011-2010 dự kiến khoảng 43.360 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2011-2015 nhu cầu khoảng 21.340 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 nhu cầu khoảng 22.020 tỷ đồng./.
Vi Thảo (ĐCSVN)