Khánh thành công trình thủy điện Sơn La

created-time 23:15:25 19-11-2015
view Lượt xem 1028
Tin dự án

Báo cáo quá trình xây dựng nhà máy do ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch HĐTV EVN trình bày cho biết: Dự án Thủy điện Sơn La với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400MW) là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà (sau thủy điện Lai Châu và là bậc trên của thủy điện Hòa Bình). Công trình chính thuộc địa phận xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hồ chứa nước thuộc một số xã, huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Dự án Thủy điện Sơn La gồm 3 dự án thành phần: Dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La; Dự án di dân tái định canh, định cư và dự án các công trình giao thông tránh ngập. Các thông số và khối lượng chính của công trình thủy điện: Diện tích lưu vực 43.760 km2, dung tích hồ chứa 9,26 tỷ m3, mực nước dâng bình thường 215m, mực nước gia cường 217,83m.

Mỗi năm, thủy điện Sơn La cung cấp sản lượng điện hàng năm là 10,246 tỷ kWh (trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh); Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1m, chiều dài đỉnh đập 961,6m, công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt. Nhà máy thủy điện kiểu hở, bố trí sau đập; Khối lượng thiết bị lắp đặt là 73.000 tấn; Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổ máy 1 phát điện vào năm 2012, hoàn thành toàn bộ nhà máy vào năm 2015; được hiệu chỉnh phát điện tổ máy 1 vào cuối năm 2010, hoàn thành công trình vào 2012.

Công trình đã trải qua các mốc tiến độ chính: khởi công và ngăn sông đợt 1 ngày 02/12/2005; Phát điện tổ máy 1: ngày 17/12/2010, Phát điện tổ máy 2 ngày 20/4/2011, Phát điện tổ máy 3 ngày 23/8/2011, Phát điện tổ máy 4 ngày 19/12/2011, Phát điện tổ máy 5 ngày 28/4/2012 và phát điện tổ máy 6 ngày 26/9/2012

Dự án thành phần xây dựng công trình thủy điện Sơn La do Tổ hợp nhà thầu là Tổng Công ty Sông Đà (tổng thầu), Tổng Công ty Lắp máy (LILAMA), Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI) thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Cung cấp thiết bị chính cho nhà máy gồm: Thiết bị cơ điện do hãng ALSTOM cung cấp, máy biến áp do China National Heavy Machinary cooperation & Xi 'an XD Transfomrmer Co.,Ltd. cung cấp, trạm phân phối 500kV (GIS) do New Northeast electric high voltage switchgear Co.,Ltd cung cấp... Các thiết bị cơ khí thủy công phần lớn do các nhà thầu trong nước gia công, chế tạo (thiết bị cửa nhận nước do Liên danh Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp & thủy lợi và Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện; đường ống áp lực do Liên danh Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung và Công ty Cổ phần Cơ khí Điện lực chế tạo, cầu trục các loại do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung và Cơ khí Hồng Nam chế tạo và cung cấp).

Việc Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đồng nghĩa với việc Dự án cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế quốc dân 12,5tỷ kWh điện năng, tương đương giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước. Thành công của Dự án là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng-Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chúc mừng chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các nhà thầu và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã nỗ lực chung tay cùng thực hiện thành công dự án Thủy điện Sơn La. Với tinh thần trách nhiệm cao cùngvới nhiều sáng tạo khoa học của chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấnvà các đơn vị tham gia, công trình đã được hoàn thành khẩn trương, vượt 3 năm so với tiến độ đề ra, đặc biệt là đưa tổ máy số 1 vào phát điện từ năm 2010 cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 11,8 tỷ kWh điện, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức nghiệm thu. Theo nhiệm vụ được giao, Hội đồng đã thành lập tổ chuyên gia với những chuyên gia đầu ngành về thủy công, về địa chất, vật liệu và thiết bị công trình. Trong suốt quá trình thi công, Hội đồng đã tổchức 50 đợt kiểm tra tại hiện trường và 36 cuộc họp kiểm tra, xem xét từ bước thiết kế kỹ thuật đến nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng như ngăn sông, tích nước, phát điện tổ máy 1 và nghiệm thu hoàn thành công trình.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình thủy điện Sơn La đã được 2 đơn vị tư vấn có kinh nghiệm là Công ty Tư vấn Đại học xây dựng và Công ty Tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) thẩm tra với các nội dung:thẩm tra điều kiện địa chất công trình, thẩm tra thiết kế kết cấu của thân đập, thiết kế thủy lực, đánh giá vật liệu bê tông đầm lăn, và một số nội dung khác. Riêng vềthiết kếkháng chấn, đơn vị tưvấn thiết kếđãsử dụng số liệu động đất cấp 9 ứng với chu kỳ lặp 10.000 năm để tính toán.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Kết quả thẩm tra của các đơn vị tư vấn cho thấy đập đảm bảo an toàn và ổn định. Tổ chuyên gia của Hội đồng đã xem xét, đánh giá và đã nhất trí với kết quả thẩm tra thiết kế kỹ thuật của các đơn vị tư vấn. Trong quá trình thi công, Hội đồng đã thực hiện nhiều đợt công tác kiểm tra hiện trường, kiểm tra chất lượng công tác thi công xây dựng, công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư. Về chất lượng bê tông đầm lăn của đập dâng và bê tông thường ở đập tràn, số liệu thí nghiệm về cường độ chịu lực của các mẫu bê tông lấy trước khi đổ bê tông cũng như các mẫu khoan nõn lấy trong thân đập đều cho kết quả đạt và vượt yêu cầu thiết kế.

Với công trình đặc biệt quan trọng này, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã cẩn trọng xem xét cho phép tích nước theo từng giai đoạn để có điều kiện kiểm tra, theo dõi xử lý các biểu hiện bất thường nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Đểcócơsởđánh giá đầy đủ, toàn diện vàkhách quan, phục vụcông tác nghiệm thu hoàn thành tổng thểcông trình đưa vào khai thác sửdụng, Hội đồng đãbáo cáo Thủtướng Chính phủvà được Thủtướng đồng ýcho phép chỉđịnh Tưvấn độc lập nước ngoài thực hiện đánh giá toàn bộthực trạng an toàn, ổn định đập khi đang làm việc. Hội đồng đãgiao cho Viện Thiết kếthủy công Matxcơva của Liên bang Nga, là tổ chức tư vấn có năng lực, nhiều kinh nghiệm và am hiểu về thủy điện, thực hiện việc này. Kết quả đánh giá cho thấy đập bảo đảm an toàn, ổn định có dự trữ hệ số an toàn cao.

Hội đồng nhiệm thu nhà nước đã tổ chức cho tổ chuyên gia của Hội đồng trao đổi trực tiếp, kỹ lưỡng với chuyên gia của Viện thiết kế thủy công Matxcơva về các nội dung trong báo cáo đánh giá. Tổ chuyên gia của Hội đồng đã nhất trí với kết quả báo cáo đánh giá về an toàn và ổn định đập của Viện thiết kế thủy công Matxcơva. Ngày 20/12/2012, Hội đồng đã họp và thống nhất nghiệm thu chính thức,đưa công trình thủy điện Sơn La vào khai thác sử dụng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: thủy điện Sơn La là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành xây dựng và ngành điện Việt Nam. Sau 7 năm xây dựng lao động sáng tạo với biết bao vất vả khó khăn, cả 6 tổ máy phát điện đã được vận hành an toàn hiệu quả. Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất mang tầm cỡ khu vực do chúng ta tự thiết kế, thi công, xây dựng và đã vượt mốc thời gian so với tiến độ đc phê duyệt là 3 năm. Đây thật sự là niềm tự hào, niềm vui lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và bà con vùng tây bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh: thủy điện Sơn La là bậc thứ hai trong bậc thang thủy điện Sông Đà, khi chưa có các công trình thủy điện Hòa Bình, Sơn La dòng sông Đà là nguyên nhân gây ra những trận lũ lụt lớn. việc nghiên cứu trị thủy sông Hồng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo từ rất sớm. Xác định nhiệm vụ chính của các công trình này là chống lũ vào mùa mưa, cấp nước vào mùa kiệt, và cung cấp điện và bảo đảm giao thông vận tải trong vùng, khi phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, Quốc hội đặt ra 5 yêu cầu: bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, cho hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp cao, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Tây Bắc, giảm thiểu tác động xấu với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc. Đến nay công trình thủy điện Sơn Sa đã hoàn thành, các yêu cầu nhiệm vụ QH đặt ra đã được thực hiện.

Thủ tướng khẳng định, với việc hoàn thành công trình thủy điện Sơn La chúng ta đã chính phục được sông Đà, thực hiện được ước mơ bao đời của đồng bào ta. Công trình thủy điện sẽ góp phần quan trọng điều tiết dòng chảy khu vực hạ du, chủ động cung cấp nước tưới cho hạ du; cấp điện với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, góp phần quan trọng bảo đảm cung cấp điện cho phát triển đất nước và cải thiện đời sống nhân dân.

Theo Thủ tướng, với nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện Sơn La góp phần bảo đảm phát triển bền vững và tham gia chống biến đổi khí hậu. Đồng thời với việc xây dựng thủy điện Sơn La nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng mới, bố trí sắp xếp lại dân cư trên địa bàn. Công trình thủy điện Sơn La hoàn thành đạt các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đã đem lại những lợi ích lớn lao cho đất nước, với sản lượng hơn 10 tỷ kwh điện năm, theo giá bình quân hiện nay doanh thu một năm khoảng 15 nghìn tỷ đồng, 3 năm vượt trước thời hạn tính ra khoảng 45 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách cho tỉnh bình quân mỗi năm khoảng 1000 tỷ đồng. Đặc biệt, chúng ta đã phát huy được các nguồn lực trong nước để tham gia xây dựng công trình. Nếu tình toàn bộ giá trị nhập khẩu toàn dự án thủy điện chỉ chiếm 10%, còn lại là sản xuất trong nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương một số đơn vị tiêu biểu: tập đoàn điện lực VN, công ty tư vấn xây dựng điện 1, tổ hợp nhà thầu xây lắp do TCty Sông Đà làm tổng thầu, các thành viên tổng công ty lắp máy (LILAMA), tổng công ty Trường Sơn, TCty xây dựng và phát triển hạ tầng( LICOGI)- đây là các TCty nhà nước, các nhà thầu mạnh, giàu kinh nghiệm có đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, thành thạo công nghệ hiện đại. Thủ tướng cũng biểu dương những đóng góp quan trọng của ban chỉ đạo nhà nước dự án thủy điện Sơn La với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các bộ, kỹ sư, công nhân đã tham gia đóng góp công sức xây dựng cộng trình.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn điện lực Việt Nam quản lý và vận hành thật tốt để nhà máy hoạt động tuyệt đối an toàn, ổn định, phát huy cao nhất hiệu quả công trình. Qua công trình này, EVN cần đúc rút kinh nghiệm để thi công, hoàn thành đúng thời hạn công trình thủy điện Lai Châu và các công trình được giao khác trong quy hoạch điện 7 với tiến độ và chất lượng cao nhất, để bảo đảm điện năng tốt nhất cho phát triển đất nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất cho ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên Chính phủ về các công trình thủy điện; tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng thủy điện Sơn La.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cắt băng khánh thành công trình thủy điện Sơn La.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu khi công trình được đưa vào khai thác sử dụng, đơn vị quản lý công trình có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống quan trắc, lập hồ sơ quan trắc, thực hiện việc đánh giá kết quả quan trắc làm cơ sở cho việc theo dõi an toàn đập theo các qui định; Chủ đầu tư có trách nhiệm lập bộ chỉ tiêu đánh giá số liệu quan trắc làm cơ sở cho việc quản lý an toàn đập trong suốt quá trình vận hành. Bộ trưởng khẳng định, công trình Thủy điện Sơn La đóng vai trò quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. Vì vậy, đơn vị quản lý phải có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình.

Vân Anh – Mỹ Phượng (Báo xây dựng)