Quy chuẩn có cũng như không! 10/2012

created-time 05:05:57 19-11-2015
view Lượt xem 620
Hoạt động ngành

Vừa qua Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức hội thảo “Quy chuẩn các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả - hiện trạng thực thi và đề xuất những nội dung bổ sung chỉnh sửa”, nhằm đưa ra những kiến giải để việc áp dụng quy chuẩn tiết kiệm năng lượng (TKNL) đi vào đời sống.

Chủ đầu tư không quan tâm

Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về TKNL, khảo sát tại 3 đô thị: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cho thấy, mức tiêu thụ điện của Việt Nam trong 10 năm qua tăng 400% (trong ngành công nghiệp và xây dựng, giao thông nông nghiệp, dịch vụ và hành chính dân dụng), trong đó các căn hộ có mức tăng trưởng cao nhất và hầu như không áp dụng các quy chuẩn TKNL. Các tòa nhà xây trong 5 năm trở lại đây 98% không có cách nhiệt, 75% sử dụng một lớp kính, 41% tòa nhà có tỷ lệ kính trên tường lớn hơn 25%, 37% có điều hòa nhiệt độ sử dụng hệ thống điều hòa không khí trung tâm và 25% có các loại quạt và máy bơm với tốc độ khác nhau.

Mặc dù Bộ Xây dựng có quy chuẩn xây dựng về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (QCXD 09:2005) nhưng hầu như các chủ đầu tư đều không đưa các yếu tố xanh vào công trình nhằm TKNL. Đó là thực trạng chung trên cả nước. Theo khảo sát của IFC cho thấy, 90% cán bộ liên quan tại Sở Xây dựng trước khi cấp phép chưa xem xét, đối chiếu xem bản thiết kế có phù hợp với QCXD 09:2005 hay không. Vì chế tài chưa đủ mạnh, cũng như việc áp dụng QCXD 09:2005 hay không cũng không ảnh hưởng đến quá trình cấp phép xây dựng. 10% chỉ xem xét các quy định chiếu sáng vì những quy định này đơn giản hơn các quy chuẩn khác. 100% chuyên gia tư vấn không tham khảo QCXD 09:2005 trong quá trình thiết kế. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng cho thấy, các tính toán của QCXD 09:2005 quá phức tạp và đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn. Khó kiểm tra mức độ chính xác của phương pháp tính toán và cơ quan nào sẽ thẩm định lại mức độ chính xác trong tính toán.

Với công trình xanh, chủ đầu tư chỉ cần đầu tư thêm 4% nhưng tiết kiệm được 40% năng lượng sử dụng.

Ông Phạm Văn Nhơn - Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ thừa nhận: Do năng lực của cán bộ địa phương còn hạn chế nên trong quá trình cấp phép chỉ yêu cầu đấu nối công trình hạ tầng kỹ thuật, không xem xét công trình có TKNL không. Vì vậy vấn đề này địa phương còn hở lắm.

Thiết kế xanh - chỉ hô hào khẩu hiệu

Đại diện Sở Xây dựng Long An cũng đồng quan điểm với ông Nhơn: “Hiện nay chúng tôi chỉ quản lý được về mặt chất lượng, mỹ quan, kỹ thuật, công năng có phù hợp hay không. Còn việc áp dụng quy chuẩn TKNL trong công trình xây dựng thực tế chỉ hô hào khẩu hiệu, mới chỉ áp dụng được khoảng 10 - 12%”. Vị này nêu một bất cập mà Long An đang phải gánh chịu hậu quả của việc không coi trọng yếu tố thiết kế xanh trong công trình Bệnh viện Long An cao 9 tầng, 500 giường nên tiêu tốn khá nhiều điện năng, nhiều khi thu không đủ bù chi. Tỉnh này đang kêu gọi các đơn vị tư vấn thiết kế trình bày những phương án khả thi để cải tạo lại dù mới xây được 5 năm.

Ông Ommid Saberi - tư vấn quốc tế của IFC về công trình xanh tại Dubai cho rằng, nếu tuân thủ các yếu tố thiết kế TKNL, chủ đầu tư chỉ cần đầu tư thêm 4% nhưng tiết kiệm được 40% năng lượng sử dụng. Ông Lê Ngọc Hồ - Giám đốc Cty tư vấn Indochine nhận xét: Để công trình có thiết kế bền vững, TKNL cần nhất là ý chí của chủ đầu tư, năng lực của Cty tư vấn thiết kế. Hiện nay các QCXD không được chú ý một phần quy chuẩn phức tạp, áp dụng khó; một phần Nhà nước chưa có chế tài cũng như chưa khuyến khích được DN nào áp dụng quy chuẩn TKNL được ưu đãi. Do vậy cần xây dựng thêm các quy chuẩn riêng cho nước, điện, cũng như đơn giản hóa các quy chuẩn…

Bùi Hiền (Báo Xây dựng)_