Những con số biết nói
Chỉ đến cuối quý II/2012, những con số có tính xác thực nhất về nợ và nợ xấu bất động sản mới được công bố. Một báo cáo "bất ngờ" của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cung cấp cho giới đầu tư, và đặc biệt là người dân, một cái nhìn toàn diện hơn nhiều về thực trạng này.
Tính đến thời điểm cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản là 348.000 tỷ đồng. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, con số này vượt hơn 1,8 lần so với con số đã được các ngân hàng công bố trước đây, tức khoảng xấp xỉ 200.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước chính là hai địa chỉ đã phát ra con số ước đoán chưa thể trọn vẹn ấy.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng cao gấp 8 lần so với số liệu do chính các ngân hàng này thông tin. Điều đó cũng có nghĩa là trong một thời gian khá dài, từ tháng 6/2011 - thời điểm lần đầu tiên diễn ra "biến động" trong hệ thống ngân hàng về tình trạng nợ xấu, khi khối ngân hàng buộc phải kéo giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, cho đến gần đây hầu hết các ngân hàng vẫn cố ém nhẹm con số dư nợ cho vay thực tế và kéo theo đó là tỷ lệ nợ xấu mà đã trở nên nguy hiểm đối với họ.
Không quá trái ngược với những đồn đoán của dư luận giới đầu tư, BIDV đã trở thành "quán quân" về dư nợ cho vay xây dựng - hơn 42.000 tỷ đồng. Tiếp theo đó là Ngân hàng Vietinbank - 41.000 tỷ đồng. Cả hai ngân hàng này đều có tỷ lệ cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 14% trong tổng dư nợ. ACB và Sacombank cũng nằm trong danh sách "top 10".
Nhưng chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn trong tổng dư nợ lại là những ngân hàng nhỏ như Phương Nam, Phương Tây, Đông Á - 26%. Còn SHB cũng có tỷ lệ cho vay xây dựng và bất động sản chiếm đến 18% tổng dư nợ cho vay.
Rõ ràng, những tỷ lệ trên không thể được coi là an toàn so với điều mà các ngân hàng thường tuyên bố - tỷ lệ an toàn cho phép chỉ từ 3-5%. Rải rác trong những công bố và báo cáo trước đây, ngoại trừ Agribank thừa nhận tỷ lệ nợ xấu trên 6%, còn các ngân hàng khác đều không chấp nhận thực tại như những gì đã xảy ra.
Tuy vậy, thời gian gần đây lại xuất hiện một ước đoán từ giới chuyên gia ngân hàng. Theo đó, có khả năng đến 50% nợ bất động sản và xây dựng đang có nhiều triển vọng trở thành nợ khó đòi. Cũng có nghĩa là một nửa trong số nợ bất động sản có khả năng không cánh mà bay.
Cũng trong báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tổng giá trị các khoản cho vay vào hai lĩnh vực bất động sản và xây dựng của 10 ngân hàng có số dư nợ lớn nhất được thống kê là 147 nghìn tỷ, bằng khoảng 73% dư nợ bất động sản được các ngân hàng báo cáo cuối năm 2011. Nếu so với con số điều chỉnh của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ này chiếm 42%.
Như vậy, nếu tính đúng và đủ trên cơ sở con số 348.000 tỷ đồng dư nợ bất động sản mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, khoản dư nợ bất động sản của 10 ngân hàng trên phải là 254.000 tỷ đồng, chứ không chỉ là 147.000 tỷ đồng theo báo cáo của ngân hàng.
Có một chi tiết trùng hợp khá ngẫu nhiên nhưng lại rất đáng so sánh: 254.000 tỷ đồng trên lại đúng bằng con số dư nợ cho vay bất động sản mà một vài quan chức, trong một vài thông tin không chính thức, công bố vào thời điểm cuối năm 2011. Sự trùng hợp này cho thấy nhiều khả năng vẫn còn khoảng 1/3 số dư nợ không có địa chỉ rõ ràng.
Tỷ lệ nợ xấu bất động sản, bao nhiêu?
Bất động sản - một lĩnh vực lớn chi phối nền kinh tế quốc dân, đang diễn ra tình trạng mông lung hết sức khó hiểu, ít nhất trên bình diện những con số. Từ quý IV năm ngoái, TS. Lê Xuân Nghĩa - khi đó là Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã tuyên bố ngay cả ủy ban này và Ngân hàng Nhà nước đều không nắm rõ được con số nợ xấu và dư nợ cho vay bất động sản thực tế là bao nhiêu. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ít nhất hai lần yêu cầu các ngân hàng báo cáo về hiện trạng nợ và nợ xấu, nhưng cuối cùng vẫn chưa có một con số cụ thể cuối cùng đưa ra và chưa có ngân hàng nào bị điểm mặt.
Vào cuối tháng 5/2012, điều đáng ngạc nhiên khi công bố trước Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước thông báo tỷ lệ nợ xấu đã lên đến 10% chẵn, so với con số chỉ 3,4% cũng công bố trước Quốc hội vào 11/2011. Như vậy, chỉ trong thời gian 6 tháng, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng gấp ba lần mà không có một lần thông tin về sự tăng bất thường này.
Những bất cập quá lớn về sự khác biệt số liệu cũng như tình trạng thiếu minh bạch về thông tin nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng khiến dư luận hoài nghi: 10% liệu đã phải là tỷ lệ nợ xấu cuối cùng trong hệ thống ngân hàng.
Nếu có thể, cũng nên tham khảo đánh giá của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập có uy tín của quốc tế là Fitch Ratings. Từ tháng 6/2011, khi Ngân hàng Nhà nước chỉ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 3,2%, Fitch đã công bố tỷ lệ này lên đến 13%, tức gấp 4 lần con số của các cơ quan hữu trách Việt Nam. Còn giờ đây, với tỷ lệ nợ xấu 10% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, chẳng lẽ tỷ lệ nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều?
50%, tức khoảng 125.000 tỷ đồng, có khả năng "biến mất" từ con số dư nợ cho vay bất động sản, có thể chiếm đến 36% con số dư nợ 348.000 tỷ đồng do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố điều chỉnh.
Và nếu chiếu theo con số thực này cũng như khả năng không thể thu hồi 50% số nợ, có khả năng nào nợ xấu thực tế đối với bất động sản sẽ gấp 3,6 lần so với số liệu 10% đã báo cáo trước Quốc hội vào tháng 5/2012. Nếu đó là sự thật thì thật đáng báo động.
Theo Việt Thắng
VEF