Tiêu chí và giải pháp cho đô thị xanh Việt Nam

created-time 04:13:24 18-11-2015
view Lượt xem 726
Hoạt động ngành

Hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt là từ khi hiện tượng biến đổi khí hậu xuất hiện, việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững về mặt môi trường đã trở thành xu hướng chung của tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, dù có khá nhiều lợi thế nhưng con đường hướng đến xây dựng một thành phố xanh đã gặp không ít trở ngại. Đây cũng là nội dung chính được nhiều đại biểu đề cập tới tại Hội thảo “Thành phố xanh hơn” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 16-17/12/2010, tại Hà Nội. Xin đăng lại bài viết trên ThienNhien.Net để các bạn tham khảo.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và các công trình kiến trúc xanh. Thuận lợi hơn là có thể học tập, rút kinh nghiệm đi trước từ các nước phát triển để áp dụng vào nước ta. 

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường (2005), Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, cùng nhiều văn bản phát luật khác về bảo vệ môi trường của nước ta đều đã định hướng rất rõ phát triển đô thị theo hướng bền vững về mặt môi trường. 

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại như hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém; môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng; dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng; đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao. 

Ngay trong chiến lược quy hoạch phát triển hệ thống đô thị của nước ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn thiếu định hướng phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, và thực tế cũng chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị xanh. 

Tại Hội thảo, GS Đăng đã giới thiệu 7 tiêu chí của đô thị xanh và nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu, bao gồm: (1) không gian xanh; (2) công trình xanh; (3) giao thông xanh; (4) công nghiệp xanh; (5) chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên. 

Bổ sung thêm cho ý kiến của GS Đăng, TS. Nguyễn Ngọc Hiếu (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, thành phố xanh không thể tồn tại nếu thiếu sự hỗ trợ của xã hội và chính quyền, có nghĩa là đô thị muốn “xanh” thì xã hội cũng như chính quyền cũng phải “xanh”. 

Còn bà Ngô Thị Tố Nhiên, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) lại đề cập tới vấn đề năng lượng như một yếu tố cơ bản đồng hành với quá trình phát triển của đô thị, và cách nhanh nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là giảm phát thải khí nhà kính qua việc thiết kế, quy hoạch đô thị có tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo. 

Ngoài ra, nhiều đề xuất cho giải pháp phát triển đô thị xanh ở Việt Nam cũng được các đại biểu đưa ra như phát triển không gian xanh đô thị, công viên sinh thái; ứng dụng GIS trong quản lý và quy hoạch… hay hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt… 

Bài: Hồng Phượng