Việt Nam đang đi đúng lộ trình phát triển đô thị xanh

created-time 20:47:50 19-11-2015
view Lượt xem 918
hoạt động ngành

Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển đô thị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: Đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn thế giới. Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam châu Á, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, đô thị Việt Nam còn tồ̀n tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là việc ứng phó có hiệu quả trước các tác động của BĐKH và ô nhiễm môi trường… Đây thực sự là những thách thức gay gắt mà các đô thị Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.

Bộ trưởng cho biết, để giải quyết những thách thức nêu trên, Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hoà, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.

“Là cơ quan được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực phát triển đô thị, cùng với vai trò là cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị ứng phó với BĐKH; lồng ghép vấn đề BĐKH vào kế hoạch phát triển đô thị, chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền trong quản lý phát triển đô thị cũng như cơ chế huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những kinh nghiệm quốc tế

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết thách thức và xu thế phát triển, Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa gợi mở: Dân số đô thị Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới với những đòi hỏi ngày càng tăng. Các chính sách và đầu tư của Việt Nam sẽ quyết định diện mạo các đô thị. Việt Nam cần tiếp cận nhiều hơn với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị bền vững, đúc kết các đặc điểm riêng để vận dụng phù hợp với sự phát triển của từng vùng miền. Với chiến lược phát triển đô thị xanh, lộ trình của Việt Nam đang đi đúng hướng, tuy nhiên cần cụ thể hóa những giải pháp thiết thực hơn nữa.

Tương tự, đại diện Văn phòng Tổ chức định cư con người của Liên hợp quốc (UN-HABITAT) khu vực Châu Á Thái Bình Dương Paula Pennanen cũng khuyến nghị: Việc nâng cấp cải thiện chất lượng các đô thị đòi hỏi phải có sự tham gia của các bên, từ chính quyền địa phương, người hoạch định và quản lý chính sách đến cả từng người dân. Mỗi đô thị Việt Nam có vai trò quan trọng trong liên kết giữa các vùng đô thị và các đô thị trong khu vực. Bởi vậy, UN-HABITAT đã hỗ trợ các đô thị thông qua việc tổ chức những diễn đàn quan trọng nhằm kết nối đô thị Việt Nam với thế giới để chia sẻ kinh nghiệm. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để xây dựng đô thị xanh bền vững. Các vấn đề xoay quanh đô thị hóa phải ưu tiên cho những lĩnh vực gắn liền với từng quốc gia. Việc thích ứng, giảm thiểu BĐKH là động cơ quốc gia, trọng tâm của địa phương. Thế giới đang trở thành một đô thị toàn cầu. Việt Nam cần có cách tiếp cận mới và tiếp tục chủ động cùng các bên liên quan thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh.

Cụ thể hơn, Giám đốc UN-HABITAT tại Việt Nam TS Nguyễn Quang nhấn mạnh: Đô thị là nơi giải quyết thách thức bởi đô thị tạo sự thịnh vượng, công ăn việc làm, tập trung sáng tạo khoa học, đội ngũ lao động lành nghề… và cũng là nơi đem lại giải pháp, cách tiếp cận mới. Nếu giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình đô thị hóa theo kiểu cũ thì chúng ta cần tài nguyên của… 5 trái đất. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện đồng thời 3 giải pháp. Thứ nhất, các quy hoạch đô thị mềm dẻo chứ không thể đi theo quy hoạch tổng thể cứng nhắc. Các thể chế trong quy hoạch phải giảm thiểu được mâu thuẫn mà đô thị đang đối mặt. Thứ hai là công bằng trong tiếp cận dịch vụ, đất đai bởi chỉ công bằng đô thị mới thịnh vượng được. Thứ ba là giải quyết công ăn việc làm, vấn đề di chuyển, năng lượng và môi trường cần được quan tâm giải quyết.

Xuất phát từ mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020. Theo đó, tăng trưởng xanh được khẳng định là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH. Việc đạt được các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường, xây dựng công trình xanh, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển đô thị sinh thái… là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược này.
 

 

 

Vũ Vũ (Báo xây dựng điện tử)