Hai nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) sẽ thực hiện thi công công trình metro đầu tiên ở Việt Nam này. Theo thiết kế, dự án được chia làm 2 phần: Phần ngầm và phần nổi, dài gần 20km.
Phần ngầm gồm 3 ga, dài 2,6km. Đoạn đi ngầm bắt đầu từ vòng xoay Quách Thị Trang (trước cổng chợ Bến Thành), đi ngầm dưới đường Lê Lợi (gồm 2 tuyến đường đơn chạy song song, từ ngã tư Lê Lợi – Pasteur chuyển sang chạy trùng tim (hầm trên và hầm dưới), tiếp tục đi ngang hông Nhà hát thành phố, qua trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, qua đường Nguyễn Siêu và FAFILM đến nhà máy Ba Son.
Phần nổi có chiều dài 17,1km với 11 ga, bắt đầu bằng việc vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh, đi theo bờ Bắc rạch Văn Thánh, đi qua công viên Văn Thánh, vượt trên đường Điện Biên Phủ, vượt qua sông Sài Gòn, đi dọc theo xa lộ Hà Nội, vượt sông Rạch Chiếc và rẽ vào tuyến depot Long Bình.
Theo đánh giá, việc xây dựng thành công tuyến metro này sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo cảnh quan đô thị hiện đại, sang trọng cho TPHCM. Metro Bến Thành – Suối Tiên còn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố phát triển, nhất là về lĩnh vực du lịch.
Theo quy hoạch, TPHCM có 6 tuyến metro gồm: tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, có chiều dài 19,7km và 5 tuyến khác: Ngã tư An Sương - Thủ Thiêm dài 19km; Quốc lộ 13 - Bến xe miền Đông dài 24km; Bến Cát - đường Nguyễn Văn Linh dài 24km; Cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc dài 17km và Bà Quẹo - Vòng xoay Phú Lâm dài 6km.
Theo Tùng Nguyễn (VnMedia)