Để doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò trong nền kinh tế

created-time 22:30:01 19-11-2015
view Lượt xem 423
hoạt động ngành

Tại Lễ trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2011 cho các thương hiệu tiêu biểu Việt Nam vào tháng 10/2011, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và đề nghị từng doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc tái cơ cấu

 

Số lượng doanh nghiệp (DN) cùng với đội ngũ doanh nhân ra đời ngày càng nhiều. Số DN đăng ký tính đến nay có khoảng 663,8 nghìn; số thực tế đang hoạt động đến nay có khoảng 469.000 nhiều gấp khoảng 2.343 lần trước Cách mạng tháng Tám, gấp hàng chục lần so với khi Luật Doanh nghiệp được ban hành hơn 10 năm trước. So với năm 2000, trong khi số DN nhà nước giảm mạnh, thì số DN ngoài nhà nước tăng cao; số DN khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng tăng khá.

 

Các DN đã thu hút một lượng vốn khá lớn của các thành phần kinh tế. Tổng số vốn sản xuất kinh doanh bình quân năm của các DN cao gấp 10,7 lần năm 2000. Trong đó, DN nhà nước gấp 5,2 lần; DN ngoài nhà nước gấp 56,1 lần; DN khu vực có vốn ĐTNN gấp 7,3 lần.

Các DN đã giải quyết công ăn việc làm cho gần một phần tư tổng số lao động của cả nước, gấp gần 3 lần năm 2000. Số lao động DN nhà nước giảm 18,8%, thì của DN ngoài nhà nước cao gấp khoảng 6 lần; của DN khu vực ĐTNN tăng cao gấp 5,3 lần.

DN đã tăng đầu tư đổi mới thiết bị- công nghệ, với tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn, cao gấp 11 lần cách đây 10 năm.

Doanh thu thuần cao gấp 9,1 lần năm 2000. Trong đó, DN nhà nước cao gấp trên 4,2 lần; DN ngoài nhà nước cao gấp 20,3 lần; DN có vốn ĐTNN cao gấp 8,6 lần. Khu vực DN đã đóng góp phần lớn trong việc tạo ra GDP.

Các DN vừa góp phần tăng tiêu thụ trong nước và vừa góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các DN đã cải tiến mẫu mã, chất lượng, tích cực đưa hàng về nông thôn. Xuất khẩu năm 2011 tăng tới 34,2% và 9 tháng 2012 tăng 18,9%. Đó là tín hiệu khả quan thể hiện sự vượt khó của doanh nghiệp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các DN đã tiết giảm chi phí để có lợi nhuận và chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Thu từ khu vực DN chiếm trên dưới 69% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đội ngũ doanh nhân tăng lên nhanh chóng. Nếu tính mỗi DN có 2-3 doanh nhân, thì đã có hơn 1 triệu người, cộng với chủ của trên 4,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp thì cả nước đã có gần 6 triệu doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân đã có sự chuyển dịch về cơ cấu với sự tăng lên của doanh nhân trẻ, có bằng cấp, năng động sáng tạo, ứng phó tốt hơn với biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.

DN đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và thành phần kinh tế của cả nước.

Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, các DN đã đồng thuận với Nhà nước và toàn dân không bị rơi vào vòng xoáy suy thoái (tăng trưởng âm), chỉ bị suy giảm tốc độ tăng trưởng. DN tích cực hoạt động từ thiện, tài trợ, hỗ trợ người nghèo, người bị thiên tai, nuôi dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Những khó khăn cần tháo gỡ

DN hiện nay đứng trước nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.

Việc thu hút vốn gặp khó khăn trên cả 3 kênh. Phần tự có không nhiều, phần được bổ sung từ mấy năm nay thấp, bởi tỷ suất lợi nhuận thấp. Phần huy động trên thị trường chứng khoán không tăng do chứng khoán liên tục bị giảm điểm và giảm giá trị giao dịch. Phần vay từ các ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn do tăng trưởng tín dụng thấp (tốc độ tăng của năm 2011 chỉ còn bằng 1/3 các năm trước; 8 tháng 2012 tăng rất thấp). Hiện Ngân hàng Nhà nước ban hành các giải pháp để xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Hàng hóa tồn đọng tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với cùng thời điểm năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Vì vậy, có thể giảm thuế VAT để giảm giá bán, tăng liều lượng kích thích tiêu dùng.

DN thiếu dự phòng rủi ro. DN thường phải đối mặt với những tác động lớn, khó lường và rất nhanh chóng, vì vậy, việc dự phòng rủi ro là rất cần thiết.

Các DN vốn đã thiếu hụt nguồn nhân lực, có trình độ lại bị phân tán vào nhiều lĩnh vực khác nhau và  hiện rất khó giữ chân họ. Nhưng nếu để họ đi thì rất khó tuyển dụng lại khi phục hồi.

Công tác thông tin, phân tích dự báo còn yếu cũng khiến công tác quản lý, điều hành khó khăn…

Nhận diện được khó khăn trên, bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, các cấp, các ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh phát triển lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Minh Ngọc (chinhphu.vn)