Kiến trúc xanh tại Việt Nam – Hiện trạng và giải pháp

created-time 04:29:36 18-11-2015
view Lượt xem 657
hoạt động ngành

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và TP. HCM là một trong 5 thành phố có nguy cơ ngập lụt cao nhất. Do vậy, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tương ứng cho nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm làm giảm nguồn năng lượng tiêu thụ để ứng phó với những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra là hết sức cần thiết. 

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, lĩnh vực xây dựng có tiềm năng giảm thiểu năng lượng tiêu thụ không nhỏ mà công trình xanh chính là giải pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để công trình xanh được áp dụng phổ biến, trước mắt Việt Nam phải giải quyết được bài toán xây dựng nhận thức của xã hội về vấn đề này và đòi hỏi phải có sự bắt tay chặt chẽ của nhiều Bộ Ngành liên quan.

Tòa nhà xanh – Hiện trạng tại Việt Nam…

Theo Hội động xanh Hoa Kỳ (USGBC), một tòa nhà được công nhận là công trình xanh phải thỏa mãn các tiêu chí thuộc 5 lĩnh vực sau: 
- Địa điểm bền vững: xét đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng, bảo tồn và khôi phục nó, thuận tiện giao thông, đường cho xe đạp, ít xe có động cơ, mái ít hấp thụ nhiệt mặt trời, giữ nước, chống xói mòn...
- Hiệu quả sử dụng nước: hồ giữ nước, kiểm soát nước mưa, giảm dùng nước sạch tưới cây, tiết kiệm nước sạch, áp dụng công nghệ xử lý nước thải...
- Hiệu quả năng lượng: Tối ưu hóa các thiết bị năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo tại chổ, có thiết bị kiểm soát năng lượng, sử dụng năng lượng xanh ...
- Vật liệu và tài nguyên: Lưu giữ, thu gom, tái chế vật liệu, tái sử dụng cấu kiện, quản lý chất thải xây dựng, vật liệu địa phương... 
- Chất lượng môi trường trong nhà: Kiểm soát khói thuốc, không khí ngoài nhà, tăng cường thông gió, kiểm soát chất ô nhiễm hóa học, tiện nghi ánh sáng và sử dụng ánh sáng tự nhiên, tiện nghi vi khí hậu, âm thanh, có tầm nhìn tốt 90% không gian.

Trên thế giới hiện nay có khoảng 24 hệ thống đánh giá công trình xanh, tuy nhiên tại Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức, ban ngành nào chứng nhận cho tiêu chuẩn này và chưa ban hành bộ Tiêu chuẩn công trình xanh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC-HCMC), hệ thống điều hòa không khí và vỏ bọc công trình là hai nguyên nhân gây tổn thất năng lượng nhiều nhất cho các công trình đang vận hành tại Việt Nam. Hầu hết các công trình mới hoặc cải tạo lại đều có xu hướng thiết kế sử dụng diện tích quá lớn nhưng chưa sử dụng các giải pháp cơ bản hạn chế bức xạ qua kết cấu bao che như: lam che nắng, hành lang, mái đua (vách); mái tole không cách nhiệt... do đó gây ra sự xâm nhập nhiệt lớn. Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống điều hòa không khí. Bên cạnh đó, hệ thống điều hòa không khí đang sử dụng vẫn chỉ là những thiết bị hiệu suất thấp và trung bình, chưa ứng dụng các thiết bị mới tích trữ lạnh, máy lạnh hấp thụ, bơm nhiệt, chưa tận dụng thông gió tự nhiên... Việc lắp đặt và sử dụng chưa hợp lý cũng là nguyên nhân gây tiêu hao nhiều năng lượng.  

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo ”Quy chuẩn năng lượng trong công trình xanh – Hiện trạng và giải pháp”, việc ứng dụng mô hình tòa nhà xanh tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Khánh Trung – Giám đốc công ty CP Thiết kế Tâm Trung Thông cho biết khái niệm công trình xanh hiện vẫn còn rất xa lạ với người dân Việt Nam, chủ đầu tư chưa có sự hiểu biết và quan tâm đến vấn đề này mà chỉ quan tâm đến kinh phí và thẩm mỹ khi xây dựng công trình. Bên cạnh đó, theo ông Trung, chi phí cho xây dựng công trình xanh cao hơn khoảng 50-100% so với công trình bình thường, chi phí này tại Pháp là 20 – 30%. 
Trước những khó khăn đó, các kiến trúc sư tại Việt Nam không có kinh nghiệm trong việc thiết kế công trình xanh bởi không có điều kiện để thực hành.

Theo kiến trúc sư Thierry Roche - chuyên gia về kiến trúc xanh thì để thiết kế một công trình xanh, cần phải giải quyết tổng thể nhiều vấn đề từ thiết kế, sinh thái, sức khỏe con người, môi trưởng xunh quanh... Chính vì thế, kiến trúc sư thiết kế công trình xanh ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có nền tảng kiến thức liên quan đến kết cấu, vật ký kiến trúc, sinh học, hóa học, y học, xã hội học...  Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư nước ngoài không tin tưởng vào kiến trúc sư Việt Nam nên đội ngũ kiến trúc sư tâm huyết vẫn không có cơ hội để thử nghiệm.

... và giải pháp để bắt kịp cùng xu hướng chung của thế giới 

Trước thực trạng nhận thức về tòa nhà xanh của cộng đồng còn thấp nên việc triển khai các hoạt động truyền thông đào tạo để nâng cao nhận thức cho cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết. Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc ECC-HCMC, nhận thức được tầm quan trọng của những lợi ích mà công trình xanh mang lại, ECC-HCMC thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, các buổi hội thảo chuyên đề, những cuộc thi liên quan đến chủ đề này... để truyền thông và nâng cao nhận thức cho nhiều đối tượng trên khắp cả nước. Đối với các công trình đã đi vào vận hành, ECC-HCMC giúp tư vấn để cải tạo và đầu tư nhiều giải pháp giúp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm chi phí năng lượng cho tòa nhà.

Tham dự hội thảo, đại diện The Landmark – tòa nhà đã đạt giải ba tại cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á năm 2010 cho biết, dưới sự tư vấn của ECC-HCMC, The Landmark đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng. Kết quả là tòa nhà đã tiết giảm được 30% chi phí năng lượng tương đương với gần 300.000 triệu đồng/tháng.

Kế thúc hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất rằng, để việc tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, cần có sự tham gia phối hợp rộng rãi của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau như các trường đại học cần cập nhật chương trình đào tạo về kiến trúc xanh, Nhà nước cần xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình xây dựng tòa nhà xanh, ban hành chính sách hỗ trợ cho đơn vị tư vấn thiết kế .. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao về lĩnh vực này để tư vấn cho nhà đầu tư nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của công trình xanh tại Việt Nam.

Nguồn: ECC-MN