Giải phóng mặt bằng: Trông chờ Nhà nước

created-time 04:30:47 18-11-2015
view Lượt xem 316
hoạt động ngành

Tuy nhiên, giải pháp này khó có thể khắc phục tình trạng khó tứ bề của DN thực hiện dự án hiện nay. Một giải pháp khả thi là Nhà nước làm, doanh nghiệp thuê đất.

Đề xuất mở rộng khung giá đất

Khung giá đất năm 2012 của Hà Nội được duy trì năm thứ 3 liên tiếp, với mức giá tối thiểu là 2,34 triệu đồng/m2, tối đa là 81 triệu đồng/m2 (giá tối đa áp dụng tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm). Theo ý kiến của một lãnh đạo TP. Hà Nội tại Hội nghị về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai cuối tháng 6 vừa qua, khung giá đất như vậy là lạc hậu, không theo kịp thị trường, dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong đền bù giải phóng mặt bằng.

“Chúng ta phải tính toán để có mức giá phù hợp. Khung giá đất bất cập thì cần mở rộng mức tối đa, sát giá thị trường”, vị lãnh đạo này nói.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, từ tháng 7/2004 đến tháng 6/2011, toàn Thành phố chỉ có 9/33 trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận thành công (chủ yếu là các dự án nhỏ lẻ, quy mô nhỏ), còn lại đều vướng mắc, không đạt được sự thỏa thuận trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Trường hợp người dân tại xã Dương Nội (quận Hà Đông) bức xúc cũng được nêu ra như một ví dụ điển hình khi giá đền bù họ chỉ được hưởng là 2,34 triệu đồng/m2, trong khi giá chuyển nhượng, bán ra của chủ đầu tư dự án sau đó cao hơn gấp nhiều lần.

Không nên “chạy theo thị trường”

Tuy nhiên, đề xuất nới khung giá đất và đưa mức trần lên cao hơn so với hiện nay hầu như không nhận được sự đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, bất cập nảy sinh ở cách thực hiện đền bù, giải tỏa đất đai không nhất quán, chứ không phải giá đền bù quá thấp. Người dân có nhà, đất luôn đòi nhà đầu tư chấp thuận giá bồi thường và các chính sách khác cao hơn nhiều so với quy định, mà không căn cứ vào loại đất, mục đích sử dụng. Hơn nữa, thị trường bất động sản biến động rất lớn, tính đầu cơ đất đai cao đẩy giá đất tại nhiều khu vực lên mức rất cao, đơn cử có thời điểm đất An Khánh (huyện Hoài Đức) lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2 hay đất khu vực ven đường dẫn cầu Nhật Tân lên tới 60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giá đất ở những khu vực trên giảm chỉ còn 1/3, thậm chí thấp hơn. Do đó, chạy theo thị trường, lấy quy chuẩn sát giá thị trường để đền bù trong trường hợp này sẽ quá sức với các nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, cách thực hiện giải tỏa đền bù của nhiều DN là nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện. Để có đất thực hiện dự án, nhiều nhà đầu tư một mặt công khai mức bồi thường tương đương quy định của Nhà nước, mặt khác chấp nhận thỏa thuận ngầm, hỗ trợ thêm ngoài chính sách cho người dân, thậm chí có những trường hợp mức hỗ trợ cao hơn nhiều lần so với các trường hợp đã thoả thuận trước đó, từ đó phát sinh phức tạp do mâu thuẫn về lợi ích của người dân trong cùng dự án. Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất đai cũng là nguyên nhân khiến người dân bất bình, vì lợi nhuận lớn chảy vào túi nhà đầu cơ.

Nhà nước làm, doanh nghiệp thuê đất

Một giải pháp khả thi, được doanh nghiệp và giới chuyên gia đồng thuận, là Nhà nước thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đồng thời trực tiếp tổ chức tiến hành giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các dự án thì áp dụng cơ chế đấu thầu thuê đất trực tiếp với Nhà nước, không trực tiếp thoả thuận bồi thường với người sử dụng đất.

 

Theo Thiên Ngọc

ĐTCK