Theo đó, 2 mô hình tiết kiệm nhà ở là Quỹ tiết kiệm nhà xã hội để cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cải tạo, sửa chữa nhà ở và cho doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và Quỹ tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại đã được đề xuất.
Theo thống kê, trong tổng số 300 dự án nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân khu công nghiệp đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2015, với tổng mức đầu tư khoảng 55 nghìn tỷ đồng thì hiện đã có 27 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng mức đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng; 42 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng mức đầu tư 4,5 nghìn tỷ đồng đang được triển khai thực hiện. Riêng trong năm 2012 dự kiến hoàn thành 700 nghìn m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 11.000 hộ gia đình có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Trong Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu xây dựng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (chủ yếu là căn hộ chung cư), đáp ứng cho khoảng 60% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và 50% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu về chỗ ở đã được đặt ra trong giai đoạn 2011- 2015. Trong giai đoạn tiếp theo 2016 - 2020, phấn đấu xây dựng tối thiểu 12,5 triệu m2 NƠXH tại khu vực đô thị để giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp.
Một trong những nút thắt khiến việc triển khai xây dựng NƠXH, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp gặp trở ngại, đó chính là khó khăn về vốn. Nhiều doanh nghiệp phải loay hoay xoay xở vốn nhưng cũng chỉ là “giật gấu vá vai’. Việc giải quyết nguồn vốn trung và dài hạn là điều đặt ra.
Việc đề xuất thành lập 2 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội được đánh giá là rất cần thiết, giúp cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cải tạo, sửa chữa nhà ở, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ người dân. Như vậy, đây được coi là 1 mũi tên trúng 2 đích.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội ra đời trên cơ sở kế thừa và cấu trúc lại mô hình hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở hiện nay, bảo đảm để Quỹ này hoạt động hiệu quả. Quỹ sẽ được huy động từ nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào Quỹ; Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cấp một lần ban đầu cho từng Quỹ tại địa phương; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc toàn bộ lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số nhà ở do công ty xổ số địa phương phát hành; Nguồn vốn từ mua Trái phiếu nhà ở bắt buộc do Quỹ trực tiếp phát hành nhưng được Chính phủ bảo lãnh thanh toán (gọi là Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh); Vốn vay từ Quỹ bảo hiểm xã hội…
Việc tham gia Quỹ là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, Nhà nước khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội tham gia. Và chỉ những người đóng tiết kiệm vào Quỹ thì mới được vay tiền từ Quỹ để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội, đã tham gia Quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, đóng tiền tối thiểu bằng khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào Quỹ (mức vay cụ thể sẽ do Quỹ tại từng địa phương tính toán căn cứ vào nguồn vốn, giá nhà tại địa phương..), người vay phải trả đều hàng tháng cho Quỹ trong thời hạn tối đa là 15 năm. Lãi suất huy động của Quỹ thấp hơn lãi suất thương mại và bảo đảm ổn định trong một thời hạn nhất định theo từng gói tiết kiệm do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định (dự kiến từ 5% -7%). Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất huy động cộng thêm 1,5% chi phí quản lý (mức phí này tương đương với mức thu thấp nhất của mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở tại một số nước trên thế giới).
Doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đã có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt cũng thuộc đối tượng được vay vốn với số tiền tối đa bằng 50% tổng vốn đầu tư xây lắp của dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả chi phí trang thiết bị của nhà ở đó). Lãi suất cho vay tối đa bằng lãi suất của Ngân hàng phát triển Việt Namcho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp theo quy định của Chính phủ. Thời điểm cho vay được tính từ thời điểm bắt đầu khởi công xây dựng dự án và thời hạn trả hết nợ vay được tính từ khi hoàn thành việc xây dựng công trình nhà ở và lắp đặt các thiết bị cho công trình này (thời hạn này được ghi trong nội dung của dự án) cộng thêm tối đa 01 năm.
Quỹ không giao dịch trực tiếp với người tham gia tiết kiệm mà uỷ thác cho một hoặc nhiều Ngân hàng thương mại của Nhà nước thực hiện giao dịch. Sau khi ký hợp đồng tiết kiệm và mở một tài khoản cá nhân tại Ngân hàng thương mại do Quỹ ủy thác giao dịch, hàng tháng người tham gia quỹ chuyển tiền tiết kiệm theo thoả thuận vào tài khoản. Mọi giao dịch như gửi tiền, vay tiền, trả nợ vay…sẽ được thực hiện tại Ngân hàng này.
Trong trường hợp người tham gia Quỹ không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được Quỹ thanh toán cả gốc và lãi nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất mà Quỹ huy động là 2%/năm.
Trước mắt, Quỹ được thành lập và hoạt động tại 2 địa phương có nhu cầu bức xúc về nhà ở là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau một thời gian thực hiện (khoảng sau 07 năm, trong đó thời gian đóng Quỹ là 5 năm và 2 năm là thời gian thực hiện cho vay), Bộ Xây dựng sẽ sơ kết, đánh giá để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác trong cả nước.
Nguồn: Báo Xây dựng